Cổ Long

CỔ LONG Cổ Long tên thật là Hùng Diệu Hoa, là một tác gia tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20, người khơi nguồn cho dòng tiểu thuyết kiếm hiệp tân phái. Bên cạnh đó, ông cũng là nhà biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn của nhiều bộ phim lớn khác. Các tác phẩm của ông đã được chuyển thể rất nhiều lần thành phim truyền hình cũng như điện ảnh. Ngay từ thuở nhỏ, Cổ Long đã đọc và rất yêu thích các tác phẩm võ hiệp cổ đại của Trung Quốc. Vài năm sau đó, ông còn đọc thêm các bộ tiểu thuyết cận đại của Nhật Bản và các tác phẩm văn học phương Tây. Cổ Long bắt đầu viết văn từ rất sớm. Từ khi học năm thứ hai ở Bộ Sơ trung (tương đương lớp 7 ở Việt Nam), ông đã bắt đầu phiên dịch các tác phẩm văn học ngắn của phương Tây. Năm 1956, Cổ Long viết bài văn "Từ miền Bắc đến miền Nam" (從北國到南國) gửi đăng ở tạp chí "Ánh mai" (tức "Thần quang" 晨光) và nhận được một khoản nhuận bút kha khá. Nhờ động lực này, Cổ Long tiếp tục viết thêm nhiều bộ tiểu thuyết và văn xuôi khác. Ông bỏ ngang chương trình Đại học vào năm thứ hai, chính thức sống bằng nghề viết văn từ đó. Năm 1960, qua sự động viên và ủng hộ của bạn bè, Cổ Long đã viết bộ Thương khung thần kiếm (蒼穹神劍). Đây là bộ truyện mở đầu cho sự nghiệp tiểu thuyết võ hiệp của ông. Đến năm 1965 thì sự nghiệp của Cổ Long đã vào giai đoạn chín mùi, lúc đó ông có thể viết cùng lúc hai ba bộ tiểu thuyết với nội dung đặc sắc và luôn giao bản thảo sớm hơn thời gian quy định. Thời điểm này, có rất nhiều bộ tiểu thuyết xuất sắc được ông cho ra mắt như: Võ lâm ngoại sử, Sở Lưu Hương hệ liệt, Tiểu Lý Phi Đao hệ liệt, Lục Tiểu Phụng hệ liệt, Tiêu thập nhất lang,... Mười năm sau, có thể do sức khỏe dần suy yếu (năm 1977 Cổ Long phát hiện mình bị bệnh viêm gan, sức khỏe ngày càng tệ, nhưng ông vẫn nghiện rượu khá nặng), nên văn phong và độ nhiệt huyết của Cổ Long dành cho việc sáng tác ngày càng giảm bớt. Nếu trước đây, ông luôn giao bản thảo trước khi đến deadline, thì giai đoạn này, ông lại luôn giao bài trễ hạn. Hoặc có nhiều tác phẩm mở đầu rất ổn, nhưng càng về cuối lại càng đuối dần, chẳng hạn như bộ Hổ đầu xà vĩ… Thậm chí, về sau, có rất nhiều tác phẩm Cổ Long bỏ ngang nửa chừng, nhà xuất bản buộc phải tìm những sinh viên có khả năng để viết tiếp phần kết. Giai đoạn ấy trên lĩnh vực tiểu thuyết võ hiệp xuất hiện bút danh "Thượng Quan Đỉnh" (上官鼎), đó không phải là bút danh của một nhà văn nào mà chính là tên gọi chung của nhiều sinh viên Đài Loan, người này tiếp nối người kia để viết bổ sung cho tác phẩm của Cổ Long. Trong suốt cuộc đời của Cổ Long, có lẽ bị ảnh hưởng từ việc thiếu thốn tình thương từ gia đình (cha mẹ thường xuyên gây gổ, ly dị sớm, thuở nhỏ Cổ Long phải vừa làm vừa học, tự sống một mình) mà ông rất sợ cô độc. Chính vì thế, ông giao thiệp rộng rãi với bạn bè và đối xử với mọi người cực kỳ tốt. Trong rất nhiều tác phẩm của Cổ Long, có thể thấy tên của các bạn học thời ấy đã được ông sử dụng làm tên nhân vật, hơn nữa tướng mạo, tính cách đều được Cổ Long mô tả rất sát với con người thật. Bên cạnh đó, Cổ Long cũng là một người khá đào hoa. Ông có mối quan hệ với rất nhiều người phụ nữ cả chính thức lẫn không chính thức trong suốt cuộc đời của mình. Thậm chí, tương truyền bút danh "Cổ Long" của ông cũng có liên quan đến một người con gái. Khi ông theo học tại trường chuyên khoa Anh ngữ Đạm Giang, lớp của ông có một nữ sinh tên Cổ Phụng vô cùng xinh đẹp. Ông rất thích cô gái này nên đã chủ động tiếp cận, làm quen. Tuy nhiên, với vóc dáng khá thấp (khoảng 1,56 mét), cũng như ngoại hình không được đẹp mắt lắm, Cổ Phụng đã không thèm để mắt đến ông. Một thời gian sau đấy, cha của Cổ Phụng qua đời, ông nghe được tin này, mặc dù lúc ấy trời đang mưa to gió lớn cực nguy hiểm, cũng vội tìm đến nhà Cổ Phụng để an ủi. Thế nhưng, Cổ Phụng vẫn từ chối ông dẫu cho ông đã cố gắng bày tỏ tình cảm chân thành và sâu sắc của mình. Chính vì vậy nên vị tác giả nổi tiếng đương thời bèn lập lời thề là nếu không được sống chung với Cổ Phụng, ông sẽ làm cho cô phải mãi mãi nhớ đến mình. Từ đó, ông bắt đầu sử dụng bút danh "Cổ Long" này trong suốt sự nghiệp cầm bút về sau. Khoảng thời gian 1984-1985, sức khỏe của Cổ Long sa sút trầm trọng. Ông mất vào ngày 21/9/1985 vì biến chứng của bệnh sơ gan. Trong đám tang của Cổ Long, bạn bè của ông lần lượt đem rượu đến đặt bên quan tài. Có lẽ họ đã bàn bạc với nhau từ trước, vì vậy mà người ta đếm được có tất cả 48 chai rượu loại XO (là loại rượu Cổ Long thích uống nhất khi còn sống), tương ứng với số tuổi mà Cổ Long hưởng dương.